Làng Vũ Đại trong tác phẩm văn học "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao là một ngồi làng nghèo đói, "rách nát". Nhưng đó là xưa kia, làng Vũ Đại ngày nay thật nổi tiếng với rất nhiều đặc sản, những lễ hội độc đáo và là một điểm du lịch đáng đến.
Trong nhiều truyện vừa, truyện ngắn viết về đề tài nông dân và nông thôn trước 1945, Nhà văn Nam Cao đã “mượn” phần nào về hiện tượng, con người từ hiện thực làng Đại Hoàng quê hương ông (trong văn, ông gọi là làng Vũ Đại) để hư cấu nhiều điển hình văn học (1). ở bài viết này, xin không đề cập đến những hư cấu điển hình văn học như vậy, mà chỉ nhận thấy những nét đặc trưng của làng Vũ Đại, trong tả thực Nam Cao đã làm lộ rạng. Đó là những đặc trưng về:
Niêu cá trắm đen kho 1kg - 400k
Địa - cảnh quan làng Vũ Đại
Làng Vũ Đại nằm cuối lưu vực sông Hồng (người Việt Bắc Bộ gọi là sông Cái). Sông Hồng chảy qua ở phía Đông làng; phía Nam, làng tiếp giáp đoạn cuối dòng sông Châu - con sông ruột của Hà Nam bởi chảy hầu như trọn vẹn trên địa phận của tỉnh. Vì thế, làng vừa mang đặc điểm chung của một làng quê vùng châu thổ sông Hồng, lại vừa mang đặc điểm riêng của một làng quê vùng chiêm trũng Hà Nam. Làng có đất vườn, đất ruộng và đất bãi ven sông. Trong truyện vừa “Chí Phèo”, Nam Cao có miêu tả một con sông con “nước lặng và trong”, chắc chắn đó là một nhánh của dòng sông Châu. Ông miêu tả con sông này vào một buổi chiều, đẹp như một bức tranh mặc thuỷ: “… Trăng toả trên sông và sông gợn biết bao nhiêu gợn vàng. Những vàng ấy rung rung mới trông thì đẹp, nhưng lâu thì mỏi mắt. Gió lại mát như quạt hầu… Mấy khi được một nơi mát như thế, mát rợn da thịt…”; và: “Trăng vẫn thức, vẫn trong trẻo. Trăng rắc bụi trên sông, và sông gợn biết bao nhiêu vàng… ”.
Ngoài dòng sông Châu (Châu có nghĩa là quý, là đẹp) và con sông nhánh của dòng sông này, cảnh quan làng Vũ Đại còn nổi bật ở màu xanh của bãi dâu, vườn trầu, vườn chuối, của đường làng, ngõ xóm, thấp thoáng mái đình, cây đa…. Những phong cảnh ấy thật đẹp khi được Nhà văn miêu tả trong những buổi chiều tối, đặc biệt trong những đêm trăng.
Nước cốt tương cua - 120k/500ml
Địa - kinh tế làng Vũ Đại
Ngoài trồng lúa, làng Vũ Đại còn trồng dâu, trồng chuối và trồng trầu không. ở các làng quê Bắc Bộ, việc trồng trọt các loại cây này không lấy gì lạ, nhưng ở làng Vũ Đại thì những loại cây trên là đậm đặc và nổi bật hơn cả, khắp làng chỉ toàn có chuối, dâu và trầu không. Đại Hoàng xưa kia thuộc đất nhà Trần, nổi tiếng về đặc sản chuối Ngự, nên tương truyền dùng để dâng vua, gọi là chuối “tiến vua”. Chuối nhỏ quả, buồng nải sai và đẹp mã, có mùi thơm, vị ngọt mát; đất nơi khác, dù là ở quanh vùng, trồng cũng không được chất lượng như vậy. Bởi sinh ra và lớn lên ở làng quê này, nên trong “Chí Phèo”, chuối được Nam Cao miêu tả khá nhiều, nhiều đến nỗi: “… Rồi hắn xách chai về… Lúc đi đường, hắn đã vặn được ở nhà nào đó ba bốn quả chuối xanh và bốc của cô hàng xén một dúm muối trắng… Hắn uống rượu với chuối xanh chấm muối trắng…”. Chỉ cần đi trên đường làng, không khó khăn gì lắm, Chí Phèo đã kiếm được mấy quả chuối xanh. Điều đó chứng tỏ, chuối ở làng Vũ Đại trồng nhiều cạnh đường làng, ngõ xóm. Chắc chắn, chuối mà Chí Phèo chấm muối uống rượu không phải là chuối ngự hay chuối goòng, mà là chuối tiêu. Chuối tiêu xanh chát ăn với muối trắng thì có vị đậm bùi. Chuyện này với Chí Phèo, “sành” hơn ai hết!
Chạch kho niêu đất - 500k/niêu
Còn đây là bức tranh tuyệt đẹp, Nam Cao miêu tả về con sông, bãi dâu, vườn chuối ở làng Vũ Đại: “… Bởi cái vườn của hắn ở gần một con sông con, nước lặng và trong, khắp bãi trồng toàn dâu, gió đưa đẩy những thân mềm oặt ẹo, cuộn theo nhau thành làn. Duy chỉ có vườn nhà hắn trồng toàn chuối, ở một góc vườn có túp lều con. Những đêm trăng như đêm nay, cái vườn phẳng ngổn ngang những bóng chuối đen như những cái áo nhuộm vắt tung trên bãi. Và những tầu lá chuối nằm ngửa ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giãy lên đành đạch như là hứng tình…”.
Đoạn văn miêu tả trên cho thấy, dân làng Vũ Đại ngày ấy đã đi vào chuyên canh cây dâu, trồng dâu trên diện rộng. Trồng dâu nuôi tằm rất mất nhiều công sức, đòi hỏi vốn liếng, kỹ năng, phù hợp với hộ gia đình. Chí Phèo cô độc, nghèo nên vườn nhà hắn trồng toàn chuối, vì chuối ít phải chăm sóc. Không chịu làm lụng, uống rượu suốt ngày, chỉ khi say mới về túp lều ở góc vườn chuối ngủ, thì không biết ai đã trồng chuối vào vườn của Chí?
Về việc trồng dâu ở làng Vũ Đại thì phải nhắc tới truyện ngắn: “Một chuyện Xúvơnia”. Truyện viết về cô Tơ đến nhà nhân vật Hàn hái dâu, mua dâu, để Hàn si tình từ đó: “Vào kỳ nghỉ hè năm ngoái có một hôm Tơ đến nhà Hàn để mua dâu. Sự ấy thường: Tơ vẫn mua dâu của Hàn…”. Tất nhiên, trong “Xúvơnia” ý của Nam Cao có khác. Ông phản ánh mâu thuẫn về nhân sinh quan của người tiểu tư sản trí thức. Đó là mâu thuẫn giữa ước vọng viển vông, yêu đương lãng mạn với hiện thực nghiệt ngã, đắng cay của một xã hội đói nghèo, áp bức, bóc lột. Nhưng qua đó người đọc lại thấy được, việc trồng dâu ở làng Vũ Đại không chỉ tự cung, tự cấp tơ cho nghề dệt vải của các gia đình mà còn là sản phẩm hàng hoá mua bán trong làng, ngoài tỉnh.
Làng Vũ Đại còn có nghề trồng trầu không. Trước hết trầu không của làng là “cây nhà lá vườn” cung cấp cho người làng ăn trầu thuốc như Thị Nở: “Đã thế Thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dầy được bồi cho dầy thêm” (“Chí Phèo”); sau nữa, trầu không cùng với chuối là hàng hóa “ xếp tầu đi Hải Phòng, có khi đi tận Hòn Gai, Cẩm Phả” (đoạn nói về bà cô Thị Nở làm thuê cho một người đàn bà buôn chuối và trầu không trong “Chí Phèo”).
Chính vì trồng dâu nuôi tằm, làng Vũ Đại có nghề dệt vải. Nghề này của làng được Nam Cao viết trong truyện ngắn “Dì Hảo” như sau: “Mãi đến lúc tôi đã đi học, dì đã ngồi trên khung cửi… Tôi học bài bên cạnh khung cửi của dì. Khi bài tôi đã thuộc, tấm vải của dì được ra rồi, dì giũ mấy cái cho lông vải bay hết…”. Như vậy, nghề dệt vải của làng đã khắc sâu trong tâm trí Nam Cao, để rồi trong văn ông tiếng thoi thỉnh thoảng lại lách cách; để rồi trong Chí Phèo, nghề dệt vải làm thức dậy những gì tốt đẹp trong lòng hắn:
“Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn!
- Vải hôm nay bán mấy?
- Kém ba xu dì ạ!
- Thế thì còn ăn thua gì!
- Cố co kéo mới được một tấm năm xu…
Chí Phèo đoán một người đàn bà hỏi một người đàn bà khác đi bán vải ở Nam Định về. Hắn lại nao nao buồn, là vì mẩu chuyện nhắc cho hắn cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để lấy làm vốn liếng. Khá thì mua dăm ba sào ruộng làm”.
Niêu Cá kho làng Vũ Đại 2kg - 600k
Ước mơ trên của Chí Phèo về một cuộc sống bình dị, lương thiện như bao gia đình ở làng quê Vũ Đại: Làm ruộng + làm vườn (trồng chuối, dâu, trầu không) + chăn nuôi + dệt vải. Hắn chưa dám mơ ước chuyện buôn bán. Đọc văn Nam Cao, chúng ta thấy, hồi đó ở làng Vũ Đại đã có những người đi buôn bán các mặt hàng do làng làm ra như chuối, dâu, trầu không và vải xuống Nam Định, ra Hải Phòng, đến tận Hòn Gai, Cẩm Phả. Làng Vũ Đại thuở ấy đã là làng đa nghề, kinh tế mở.
Hội thi thả diều
Cùng với việc thờ cúng thành hoàng làng, Vũ Đại đặc sắc ở hội thi thả diều. Xưa kia vào ngày 15 tháng 5 âm lịch hàng năm, làng tổ chức hội thi thả diều. Địa điểm là cánh đồng trước đình làng. Hội thi thả diều cầu mong “Phong đăng hoà cốc” (mưa gió thuận hoà, mùa màng tươi tốt), mừng vụ chiêm vừa được mùa, cầu vụ mùa tới bội thu. Hội thi thu hút mọi người trong làng, từ quan viên đến thảo dân. Trong truyện ngắn “Một chuyện Xúvơnia”, qua nhân vật Hàn, Nam Cao miêu tả không khí hội thi như sau:
“Thoạt tiên hắn dắt cái xe đạp, vòng qua chỗ cửa đình… Đây là chỗ quan viên. Họ trải chiếu ngồi ngay xuống đất, vào một góc sân. Hắn vờ xem thuyền giấy, voi, ngựa giấy bày ở giữa sân. Rồi hắn dắt cái xe đạp, thủng thỉnh đi ra phía ruộng. Đây là chỗ thả diều. Bọn trai làng thường tụ tập ở đây. Những người cầm đầu, những người cầm dây, những người cuộn dây đang rối rít cả lên. áo cánh, quần ống thấp ống cao, đầu không khăn hay là cái khăn sổ ra trật xuống vai, mặt đỏ bừng, mồ hôi ướt đầm, họ chạy ngược chạy xuôi, múa chân tay, gân cổ lên gọi nhau… Những người xem chỉnh tề hơn. Họ khăn áo hẳn hoi, tay quạt, tay ô, đứng nấp vào những bóng tre, nhìn lên trời, bàn tán với nhau”; và: “Trời xanh ngắt, nắng chang chang. Những chiếc diều toàn trắng hoặc có một vết đỏ to ở giữa, lên cao tít đến nỗi phải cố nhìn mới thấy. Những cái diều đứng không động đậy, như chiếc lá nằm trên mặt hồ vào lúc gió yên. Những chiếc khác lượn lờ tí chút thôi. Nhưng cũng có vài cái nghịch chao bên nọ bên kia một cách rất hăng, và chốc chốc lại toan bổ xuống…”.
Về hội thi thả diều, chúng tôi còn được biết: “ Xưa kia, làng Đại Hoàng có 14 giáp tham gia. Diều của cánh đầu làng có cánh màu trắng, gọi là diều trắng. Diều của cánh cuối làng có màu đỏ ở hai đầu cánh, gọi là diều lang cánh. Diều của hai cánh giữa làng có hai loại: Diều lòng trai, nền trên trắng, nửa dưới hồng; diều cân cấn phần giữa hồng, hai cánh trắng”(2). Như vậy, diều làng Đại Hoàng gợi hình ảnh: Con cò trắng, con cò lang, con trai, con cân cấn, đều là những con vật của cánh đồng lúa, đặc biệt là đồng chiêm trũng.
Nhân vật Hàn trong “Một chuyện Xúvơnia” bởi tan vỡ mộng ảo lãng mạn tiểu tư sản trước hiện thực nghiệt ngã của một xã hội nông thôn đói kém, nên nhìn cảnh thả diều theo con mắt tiêu cực, không thấy được tâm lý trồng trọt lúa nước và tâm nguyện của người nông dân tự thuở xưa; không thấy được những cánh diều của làng Đại Hoàng là sản phẩm giàu óc tưởng tượng thẩm mỹ của người dân dệt vải: “Hình dáng diều làng Đại Hoàng là hình thoi, không cong như diều ở một số nơi khác” (2); cũng không thấy được hội thi thả diều thể hiện tinh thần thượng võ của Hào khí Đông A được làng Đại Hoàng gìn giữ, bởi làng là đất nhà Trần, các hộ trong làng hầu hết đều họ Trần: “Khi diều hạ cánh thì lao thẳng xuống như một mũi kiếm đâm vào lòng đất”(2).
Niêu cá kho làng Vũ Đại 1.5kg - 500k
Món ẩm thực
Vũ Đại là làng quê giàu sản vật cây trái, sông nước, từ xưa đã nổi tiếng về đặc sản chuối Ngự, món cá kho làng vũ đại. Trong các tác phẩm văn học, Nam Cao không thấy nói rõ về chuối Ngự, cá kho quê ông, mà chỉ thấy nói về một món - đó là món bánh đúc. Món này được ông viết trong truyện ngắn “Dì Hảo”: “Hồi còn bé tôi rất ưa ăn bánh đúc… Cái bánh đúc xay nấu khéo còn đậm gấp nghìn lần cái bún tuy trắng,tuy mềm nhưng nhạt bép… Tấm bánh chẳng lấy gì làm to, nhưng mà ngon. Cái bột xay rất nhuyễn, vôi bỏ vừa, mịn chắc đấy, nhưng không nồng một chút nào, bẻ ra ăn với cá bống kho ráo nước cho đến cong lên, dầm vào một tí tương chua thì thật tuyệt!”.
Món bánh đúc xay, theo Nam Cao, của bà xã Vận (mẹ đẻ dì Hảo) là ngon có tiếng khắp làng Vũ Đại. “Hàng bà bán ở một cái chợ nhỏ của làng, họp ngay ở mặt đường, mỗi sáng chỉ họp độ một giờ là tan”. Bánh bà đắt hàng đến mức “thái không kịp bán,… bán đúng một chinh một tấm, mua nhiều hay ít cũng thế…”.
Miếng ngon nhớ lâu, món bánh đúc này làm Nam Cao đi xa, đi lâu vẫn thường nhắc nhớ: “Về sau, ngọn gió đời đưa đẩy tôi trải qua nhiều cảnh huống: vất vả nhiều, nhưng cũng có lúc phong lưu, có lúc tôi có thể thừa cách mà hưởng tất cả các cao lương mĩ vị, nhưng chưa bao giờ tôi gặp một món ăn không thể làm tôi quên được cái vị thanh đạm mà vẫn đậm đà của bánh đúc ăn với cá bống dầm tương, nghĩ đến bây giờ mà tôi vẫn còn muốn nuốt nước bọt…”.
Món bánh đúc xay này còn được ăn với món riêu cá diếc. Theo trí tưởng tượng của nhân vật Hàn trong “Một chuyện Xúvơnia” thì cô người yêu bội tình Tơ đi xem hội thi thả diều dứt khoát sà vào hàng bà xã Vận: “Thị sẽ bảo bà thái cho ba xu bánh đúc và một xu riêu. Thị sẽ và, sẽ húp kêu soàn soạt. Và đôi môi thị, đôi môi tròn và đỏ tựa san hô sẽ sườn sượt, nước riêu cá diếc nó chảy xuống cả cái cằm xinh xinh của thị, khiến thị phải lấy ống tay áo quệt…”. Như vậy, cô người yêu của Hàn ăn món bánh đúc xay với riêu cá diếc mất tất cá bốn xu, nhiều hơn hai xu so với số tiền mà thị đã đem bán chiếc khăn Xúvơnia thêu dệt hình ảnh lãng mạn tình yêu mà Hàn đã tặng; để rốt cuộc Hàn đã phải rút ra bài học tình đời: “Trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã”. Cảnh mọi người túm năm, tụm ba phàm ăn bánh đúc, ăn bún trong hội thi thả diều được Nam Cao miêu tả theo con mắt của Hàn, đó là cái nhìn đầy mâu thuẫn giữa cái đẹp viển vông với hiện thực thiếu đói trước 1945; nhưng qua đó người đọc vẫn như thấy được cái vị đậm ngon đặc trưng hiếm có của món bánh đúc làng Vũ Đại.
(1) Có người nói trong nhiều truyện ngắn, truyện vừa, Nam Cao lấy “nguyên mẫu” hoàn cảnh và nhân vật ở làng Đại Hoàng. Chúng tôi cho rằng, dùng khái niệm “nguyên mẫu” là không chính xác, vì hư cấu là một thuộc tính của sáng tạo văn học, đặc biệt là nhà văn có bút pháp xuất sắc như Nam Cao.
(2) “Hội thi thả diều ở làng Đại Hoàng”,Trần Quang Vinh, Văn hóa Thông tin Hà Nam số 2/2003, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nam.
Đình Nguyễn
Tập san văn hoá Hà Nam.../